369
Hưng Yên: Nhãn lồng và tương Bần được trao kỷ lục Việt Nam

Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (giữa) trao bằng kỷ lục cho đại diện UBND tỉnh Hưng Yên
Dịp này, Cục Sở hữu Trí tuệ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể đặc sản tương Bần Hưng Yên
Nhãn lồng Phố Hiến là đặc sản đứng thứ 13 trong danh sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Đây là giống nhãn Hương Chi nổi tiếng ở Hưng Yên từ xa xưa. Phố Hiến nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, là vùng đất nổi tiếng văn minh, đô hội: "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Nơi đây còn cây nhãn tổ tuổi thọ hàng trăm năm ở trước cổng chùa Hiến.
Tại Phố Hiến có nhiều giống nhãn khác nhau, và dựa vào màu sắc, hương vị của quả nhãn mà nhân dân đặt tên các loại nhãn: nhãn nước, nhãn cùi, nhãn gỗ, nhãn hoa nhài, nhãn đường, nhãn trắng, nhãn cùi dừa, nhãn hành, nhãn đường phèn... nhưng tất cả chỉ có loại nhãn đường phèn (nhãn lồng) nay lai tạo thành nhãn Hương Chi là ngon nhất. Xưa kia, người ta chọn những quả nhãn lồng to, tròn, mọng nước, ngọt, thơm để tiến vua. Nhãn Hương Chi là loại nhãn quả to, hạt nhỏ, các lớp cùi xếp lồng vào nhau, nhiều nước, hương vị ngọt đậm đà. Nhãn lồng Phố Hiến còn được bóc vỏ sấy khô, gọi là long nhãn, vừa là vị thuốc, vừa làm vỏ bọc ngoài hạt sen để nấu chè long nhãn hạt sen.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có gần 3.000ha nhãn đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt trên dưới 40.000 tấn quả, trị giá khoảng 300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Còn tương Bần xếp thứ nhất trong Top 10 đặc sản nước chấm và gi vị nổi tiếng Việt Nam.
Tương Bần là đặc sản của thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Nghề làm tương Bần ở đây có từ thế kỷ 12, 13. Nguồn nguyên liệu để làm tương là gạo, ngô, đỗ tương... Công nghệ làm tương khá đơn giản song nhờ bí quyết độc đáo mà tương Bần có hương vị thơm ngon độc đáo hơn hẳn các nơi khác. Sản xuất tương ở làng Bần hầu hết là các hộ gia đình, có hộ do được truyền nghề từ đời trước, có hộ mới vào nghề dăm bảy năm nay khi thấy làm tương phát đạt. Tùy theo uy tín, chất lượng mà có hộ làm ăn quy mô lớn, có tới ba trăm chum đại sức chứa tới 40.000 lít liên tục quay vòng.

Làng nghề tương Bần có khoảng 300 lao động làm nghề. Nhờ có máy móc xay nghiền nên làm tương giờ không vất vả như xưa. Đi qua phố Bần người ta thấy cả phố bán tương, nhà nào làm thì nhà nấy bán. Nước ta có nhiều địa phương làm tương ngon và nổi tiếng nhưng Tương Bần vẫn là thứ đặc sản được truyền tụng từ nhiều đời nay: Dưa La, húng Láng, nem Bảng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
Hiện nay, làng nghề sản xuất tương Bần có 20 cơ sở sản xuất quy mô lớn, mỗi năm sản xuất ra thị trường trên 10 triệu lít. Sản phẩm tương Bần đã được tặng thưởng nhiều huy chương vàng bạc, danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn.
Kyluc.vn



sắp diễn ra


63 Tỉnh - Thành phố

nổi bật





